Thời điểm COVID là thời điểm nhạy cảm đối với cả người tiêu dùng và thương hiệu, do đối tượng nào cũng có những bất an của riêng mình. Vì thế, việc lựa chọn một hình thức Marketing tinh tế là điều mà nhãn hàng nào cũng nên chú ý.
Podcast đang dần chứng tỏ những điểm mạnh của mình trong truyền thông mùa dịch. Những từ khoá (keyword) nào mà các thương hiệu có thể nhanh chóng nắm bắt ở hình thức mới mẻ này? Bài viết dưới đây của Novaon Communication sẽ làm sáng tỏ những điểm sáng này cho bạn.
Từ khi nào podcast được coi như một hình thức marketing?
Podcast là một chương trình âm thanh mà bạn có thể nghe trực tuyến trên các ứng dụng hoặc có thể tải về để lưu trữ trên thiết bị cá nhân. Podcast cũng được hiểu như một chương trình radio với một chủ đề cụ thể bao gồm nhiều tập được xuất bản liên tục, định kỳ.
Trong quá khứ, podcast là dạng nội dung âm thanh được một người (hay một nhóm) tạo ra tải lên internet. Các nhóm tạo nội dung này thường có khán giả (audience) của họ theo dõi và ủng hộ bằng cách nghe trên ứng dụng như iTunes/Apple Podcast, Spotify,... bởi các thiết bị như iPhone, iPod hay thiết bị Android. Các nội dung này thường được phát triển ở một số lĩnh vực nhất định, khá đặc thù và cộng đồng người nghe của họ thường giới hạn.
Ngày nay, vượt ra khỏi cách làm tự phát bắt nguồn từ xu hướng thích chia sẻ của một số ít cá nhân hay cộng đồng, nhiều thương hiệu dang dần để ý tới podcast để gia tăng hiệu quả truyền thông cho mình. Hình thức này đã và đang thể hiện tiềm năng khổng lồ của mình đối với việc xây dựng nội dung chất lượng cho thương hiệu. Đặc biệt, thời điểm COVID, khi việc ra đường bị giới hạn, nhiều người ở nhà có xu hướng chọn lĩnh hội các thông tin, kiến thức mới. Khi đó, kênh podcast là một hình thức truyền thông vô cùng phù hợp.
Và khi chọn podcast để bắt đầu tại thời điểm này, các thương hiệu cũng không có nhiều áp lực vì thực sự “vùng đất” podcast vẫn còn hoang sơ và nhiều mới mẻ, đặc biệt là sự cạnh tranh của các thương hiệu trên nền tảng podcast còn rất thấp.
Ưu điểm của Marketing thông qua podcast:
- Dễ truyền thông tới tập khách hàng mục tiêu: Những series podcast thường tập trung vào một số chủ đề chính như kinh doanh, phong cách sống và thu hút được một lượng khán giả quan tâm đến những chủ đề trên. Các nhãn hàng có thể chủ động chọn kênh podcast phù hợp với thị hiếu khán giả liên quan tới sản phẩm của mình, từ đó gia tăng khả năng được khán giả chú ý và mua hàng.
- Chi phí thấp, dễ thực hiện: Đây cũng là một ưu điểm rất lớn so với các hình thức khác của podcast. Chỉ cần một chiếc điện thoại với khả năng thu âm, thương hiệu có thể ngay lập tức sản xuất và phát hành podcast của riêng mình.
- Xây dựng được mối quan hệ với người nghe: Podcast là một trải nghiệm nội dung được cá nhân hóa, phù hợp với bối cảnh hiện tại khi xu hướng thể hiện cái tôi của người tiêu dùng đang ngày một rõ ràng. Người nghe thoải mái lựa chọn các podcast với giọng nói, cảm xúc, đam mê, chủ đề, phong cách phù hợp với mình. Podcast giúp thị trường mục tiêu của bạn cảm thấy được quan tâm và thấu hiểu.
- Tính tiện lợi của hình thức podcast: Nội dung âm thanh dễ tiếp cận khán giả hơn nội dung văn bản và video, khi họ có thể tranh thủ nghe podcast trong khi làm bất cứ việc gì.
- Podcast cũng cung cấp lợi ích SEO: Theo EdisonResearch, 54% người nghe sẽ tra cứu về thương hiệu được quảng cáo trên podcast, làm gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu trong con mắt khách hàng. Ở cuối mỗi tập podcast luôn xuất hiện lợi kêu gọi hành động (CTA) có thể giúp thúc đẩy hành vi mua hàng.
- Mức độ cạnh tranh còn thấp: Chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào khai thác kênh truyền thông này, trong khi tiềm năng phát triển còn rất lớn. Thay vì phải “giành giật” sự chú ý của khách hàng trên những nền tảng khác, podcast cho phép các thương hiệu tạo dựng nên “sân chơi” riêng của mình.
4 gợi ý quyết định thành công của việc Marketing bằng Podcast:
- Sở hữu đội ngũ tư vấn và quản lý nội dung: Nhờ đội ngũ này, nội dung của bạn sẽ trở nên thú vị và thu hút với người nghe. Thời gian sản xuất và lên ý tưởng cho podcast cũng sẽ được rút gọn, và mức độ “phủ sóng” của podcast của bạn sẽ tăng lên.
- Mời những người nổi tiếng tham gia: Những cuộc nói chuyện với những khách mời danh tiếng sẽ “lôi kéo” được những người hâm mộ trở thành người nghe podcast của bạn. Và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu khách mời ấy có hình ảnh tương đồng với tính cách thương hiệu của bạn.
- Thời lượng podcast hợp lý: Thời lượng podcast tối ưu nên ở mức khoảng 30 phút. Việc chọn thời lượng hợp lý sẽ giúp bạn vừa truyền tải được những nội dung cần thiết đến với người nghe vừa không làm họ chán nản vì quá mất thời gian.
- Phối hợp với các nền tảng khác: Hãy tận dụng những kênh truyền thông trên các nền tảng khác của bạn. Khi kết hợp chúng một cách hợp lý, bạn sẽ tạo ra được một “mạng lưới” thông tin giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm về thương hiệu của bạn.
Điểm tên 2 case study xây dựng thương hiệu “thần tốc” bằng podcast
- Xây dựng thương hiệu cộng đồng: Vietcetera.
Vietcetera là một startup về mảng xây dựng nội dung, được thành lập với sứ mệnh “đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam”. Hiện tại Vietcetera đang phát hành 6 series podcast: Have A Sip, Bít Tất, Vietnam Innovators, Cởi Mở, M.A.D và Vietnam Innovators phiên bản tiếng Việt.
Nội dung của các podcast được xây dựng kỹ càng và có chất lượng cao, hướng tới những người nghe là các bạn trẻ với tinh thần nhiệt huyết, ham học hỏi và tìm hiểu về thế giới xung quanh. Tại thời điểm này, 2 podcast Have A Sip và Bít Tất của Vietcetera đang lần lượt giữ vị trí thứ 2 và thứ 4 trên bảng xếp hạng podcast Việt Nam của Spotify.
- Xây dựng thương hiệu cá nhân: Ha Chu Works.
Ha Chu works là kênh podcast chia sẻ những câu chuyện trong ngành ẩm thực từ góc nhìn của chị Hà Chu, một người có kinh nghiệm làm marketing và branding ngành F&B. Điểm đặc biệt ở podcast này là được chủ nhân đẩy mạnh truyền thông đa nền tảng. giúp người theo dõi có trải nghiệm “toàn diện” khi theo dõi podcast. Những nội dung chia sẻ được trải trên nhiều kênh như website, Instagram, blog,... giúp người xem có thể tiếp cận đến những nội dung được chia sẻ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Podcast đang sở hữu rất nhiều cơ hội để trở thành một kênh truyền thông đắc lực cho các thương hiệu. Đặc biệt, dưới bối cảnh dịch COVID nhạy cảm, việc công chúng được cung cấp thông tin, đón nhận thông điệp và chia sẻ đồng cảm qua tiếng nói thương hiệu sẽ kéo họ lại gần thương hiệu hơn.
Việc sở hữu cho mình một đội ngũ chuyên gia marketing với khả năng tận dụng hiệu quả nền tảng podcast sẽ giúp cho thương hiệu đi trước so với các đối thủ trong cuộc đua truyền thông. Để được tư vấn và hỗ trợ về những giải pháp Digital Marketing hiện đại và hiệu quả, tham khảo thông tin và kết nối với Novaon Communication tại: https://novaoncommunication.com/