Novaon-Communication-Digital-Blog

 

#CreativethisTet – 4 yếu tố làm nên hiệu ứng viral cho video quảng cáo Tết 2021

Tết là thời điểm bùng nổ các video quảng cáo trên tất cả các kênh truyền thông. Vậy làm gì để thương hiệu của bạn nổi bật giữa một “rừng quảng cáo”? 

Đến hẹn lại lên, các video quảng cáo Tết ngành hàng khác nhau bắt đầu tràn ngập trên các kênh truyền thống đến digital: truyền hình, radio, YouTube, Facebook... Vì thế để “vượt mặt” đối thủ và trở nên nổi bật giữa đám đông, nhãn hàng cần nắm bắt đúng insight khách hàng và thể hiện nó qua idea, hình thức, âm nhạc khác biệt và ấn tượng.

Novaon Communication đã gợi ý các big idea cho quảng cáo Tết 2021 trong chủ đề #TetHoliday01, còn ở bài viết này hãy cùng Novaon Communication khám phá 4 yếu tố quan trọng làm nên hiệu ứng viral cho quảng cáo Tết 2021.

Yếu tố #01: Tính giải trí sâu sắc

Nếu quảng cáo ngày thường của các nhãn hàng thường thiên về các tính năng, lợi ích của sản phẩm nhằm educate khách hàng thì ở các quảng cáo Tết, hãy để khách hàng của bạn được thư giãn bằng những câu chuyện hay, video có tính giải trí cao, phù hợp với tâm lý nghỉ ngơi ngày Tết.

Tính giải trí bao gồm những video vui nhộn, hài hước hoặc những thước phim ý nghĩa, mang thông điệp sâu sắc. Dù ở khía cạnh nào thì người làm quảng cáo cần đẩy các cung bậc cảm xúc của khán giả lên cao trào, khi đó mới mang lại hiệu ứng chia sẻ, lan toả thực sự. 

Quảng cáo Tết 2020 của LG kể câu chuyện tình cảm gia đình sâu sắc

Một video được đánh giá mang tính giải trí cao được thể hiện trước tiên qua cốt truyện và nhân vật. Tuỳ thuộc vào ngành hàng mà marketer có thể phát triển insight khách hàng phù hợp thành các big idea (đã gợi ý trong phần trước) và cốt truyện hấp dẫn, đúng trọng tâm, có cao trào. 

Lưu ý trên môi trường digital, khán giả thường ưa chuộng xem những video ngắn 5-7 phút. Video quảng cáo Tết dù xây dựng câu chuyện giải trí, có ý nghĩa cũng nên ngắn gọn, cô đọng, tránh lan man giúp lôi cuốn người xem, “giữ chân” khán giả xem hết video và ghi nhớ thương hiệu.

Yếu tố #02: Tính mới mẻ

Insight khách hàng thay đổi theo từng thời điểm và các nhãn hàng cần nắm bắt sự thay đổi này để xây dựng câu chuyện, nhân vật thú vị, mới mẻ. Nếu chưa tìm ra insight mới, hãy nhìn vào các khía cạnh của nó để khai thác yếu tố, góc độ mới mẻ, khác biệt so với tư duy truyền thống. Các nhân vật tham gia trong câu chuyện có thể “đổi vai” cho nhau thay vì những hình mẫu cổ điển. 

Ví dụ cùng khai thác câu chuyện vào bếp sum họp ngày Tết có thể là hình ảnh người đàn ông mặc tạp dề, thay vì hình ảnh người phụ nữ trong quảng cáo truyền thống, thay thế quan niệm “việc bếp núc là của người phụ nữ” ở nhiều người. 

Việc tạo nên hình ảnh khác biệt, vượt lên trên “lối mòn” so với quảng cáo truyền thống sẽ bước đầu gây chú ý, thú vị với công chúng. 

Hãy khai thác hình ảnh mới mẻ so với hình ảnh phụ nữ vào bếp ngày Tết truyền thống

Yếu tố #03: Kết hợp âm nhạc đẩy cảm xúc

Có thể nói quảng cáo bằng âm nhạc là xu thế hiện nay với sự ra mắt và thành công nhiều MV quảng cáo của các nghệ sĩ nổi tiếng. Có thể kể đến các quảng cáo ‘Đi để trở về 4’ – Phan Mạnh Quỳnh x Biti’s, ‘Ai mua chuyện cũ bán hông’ – Trúc Nhân x Mirinda, ‘Tết là ăn hết’ – Kay Trần x Trà Ô Long Tea Plus...

Tuỳ vào màu sắc câu chuyện, thông điệp mà nhãn hàng đang khai thác, có thể kết hợp âm nhạc và bài hát để đẩy trạng thái này lên cao trào. Âm nhạc mạnh mẽ, gấp gáp, vui nhộn, dễ nhớ đối với câu chuyện vui tươi, hài hước; hoặc một bài hát truyền cảm hứng, lắng đọng, giàu cảm xúc với những câu chuyện ý nghĩa, mang thông điệp nhân văn.

Đồng thời, ca từ của bài hát cần phù hợp với insight khách hàng dịp Tết và lồng vào đó thông điệp thương hiệu, sản phẩm. Ca từ gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc cộng với giai điệu bắt tai, có cao trào sẽ là điểm cộng để bài hát cũng như thương hiệu ghi lại dấu ấn trong tâm tâm trí khách hàng.

Quảng cáo Tết của Trà Ô Long có sức viral lớn nhờ âm nhạc Kay Trần

Yếu tố #04: Kết hợp KOLs có sức ảnh hưởng đối với mỗi phân khúc khách hàng

Năm 2020 là sự trỗi dậy và nổi lên của các nghệ sĩ nhạc Rap và Underground như Đen Vâu, Binz, Karik, Wowy... được người hâm mộ chờ đợi qua từng bản hit và giành vị trí cao trong các bản xếp hạng âm nhạc. 

Tuy nhiên khi chọn KOLs tạo hiệu ứng viral cho quảng cáo Tết, nhãn hàng không nên chạy theo trào lưu mà cần cân nhắc xem nghệ sĩ đó có sức ảnh hưởng đối với phân khúc khách hàng mà nhãn hàng hướng đến hay không.

Các nghệ sĩ nhạc rap sẽ phù hợp với các nhãn hãng hướng đến giới trẻ độ tuổi từ 15-25. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ dòng nhạc pop, acoustic, cổ điển sẽ phù hợp với tệp khách hàng trên 25 tuổi.

Ví dụ, Đen Vâu phù hợp với nhãn hàng đồ uống Strongbow hướng đến khách hàng giới trẻ thích cảm giác “chill” của Rap và vị cồn nhẹ của thức uống trái cây lên men. Với Comfort, lựa chọn Bích Phương với sự nhí nhảnh, vui tươi giúp hướng đến khách hàng nữ giới nhiều hơn trong quảng cáo Tết.

Ca sĩ Bích Phương trong quảng cáo Tết của Comfort

Ngoài ra các KOLs đình đám ở nhiều lĩnh vực khác như diễn viên, người mẫu, YouTuber, hài... cũng là lựa chọn sáng giá tuỳ vào đối tượng khách hàng, tính cách thương hiệu mà nhãn hàng hướng đến.

 

Để tạo nên một video quảng cáo Tết thành công, các nhãn hàng cần có sự đầu tư kỹ càng từ khâu lên ý tưởng, kịch bản, nhân vật đến triển khai thực hiện và truyền thông trên các phương tiện social, truyền hình...

Hy vọng các phân tích trên từ Novaon Communication sẽ giúp các marketer có cái nhìn thấu đáo để có sự chuẩn bị tốt nhất cho chiến dịch quảng cáo Tết 2021.