2020 là một năm chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính đột phá từ tinh thần sáng tạo của thế hệ trẻ. Không thể phủ nhận thế hệ Gen Z và Millennials đã thể hiện cá tính rất rõ rệt và để lại vô vàn những “dấu chân” trên môi trường digital. Phải kể đến trong số đó là sự yêu thích và mến mộ nhạc Rap.
Theo khảo sát được Novaon Communication thực hiện vào tháng 9/2020, hơn 82,9% số người được hỏi cho rằng Rap là thể loại nhạc xu hướng năm 2020.
Điều này cũng có thể dễ dàng được nhận thấy thông qua sự quan tâm của công chúng đến các cuộc thi về dòng nhạc này như Rap Việt, King of Rap… Những nghệ sĩ nhạc Rap nhận được sự chú ý không nhỏ từ các nhãn hàng như việc Pepsi tài trợ cho LK trong MV “Hà Nội xịn”, Suboi biến bài nhạc “N-Sao” của mình thành TVC quảng cáo cho Grab, Binz tung MV quảng cáo cho MoMo. Một bước đi lên từ underground, những con người bình dị sống với đam mê âm nhạc Hiphop liên tục soán ngôi vị trí trending và được các nhãn hàng để mắt đến. Thông qua bài viết, Novaon Communication sẽ đưa ra một vài quan điểm về xu hướng này.
Nguồn: Kênh 14
Từ “lòng đất” ra ánh sáng
Trước hết, Rap là một trong các yếu tố chính của văn hoá Hiphop. Rap được hình thành từ những câu đọc hoặc nói có giai điệu, là sự giao thoa giữa nói và hát. Các bản nhạc Rap thường đa nghĩa và để truyền tải cảm xúc của người làm nhạc. Những nghệ sĩ Rap (Rapper) thường hoạt động đơn lẻ hoặc thành nhóm, họ có “thị phần” riêng tại Việt Nam, nhưng khó có thể so sánh mức độ nhận biết với dòng nhạc Pop thịnh hành.
Việc một nghệ sĩ hài làm MC cho một sân chơi về Rap đã phần nào xoá đi định kiến rằng nhạc Rap không phù hợp với đại chúng.
Trong năm 2019 và đầu 2020, rất nhiều bản Rap “hit” được nổi lên nhờ những cái tên: Đen Vâu, Binz, BRay, Rhymastic... và sự kết hợp với Rapper người Mỹ – Snoopdog của Sơn Tùng MTP trong bài nhạc nổi tiếng “Hãy trao cho anh”. Ngay sau đó, bằng sự nhạy cảm, marketers và nhãn hàng đã đón đầu xu hướng này. Kết quả là một loạt các sân chơi chính thống chiếm sóng truyền hình cho dòng nhạc này được tài trợ và ra đời. Nổi bật trong số đó là Rap Việt và King of Rap.
Rap Việt và King of Rap chính là “key hook” thúc đẩy trào lưu này lên đỉnh điểm. Chương trình Rap Việt được dẫn dắt bởi MC Trấn Thành. Điều này từng tạo ra những cuộc tranh cãi lớn vì anh là một nghệ sĩ hài, “có vẻ” không hề phù hợp với dòng nhạc Rap. Chính những cuộc tranh cãi cũng đã giúp lan toả sự nhận biết về chương trình. Bên cạnh đó, việc phát sóng vào khung giờ vàng và dàn huấn luyện viên gồm những cái tên hot trong giới Rapper như Suboi, Wowwy, Binz, Karik giúp Rap Việt liên tục lọt Top trending.
Nguồn: Rap Việt
Không chỉ là một dòng nhạc, trào lưu nhạc Rap hé lộ những insight đáng giá trong giới trẻ
Tận dụng sức nóng của chương trình, các mẫu quảng cáo ứng dụng nhạc Rap liên tục được ra đời và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể lí giải một phần sự yêu thích nhạc Rap xuất phát từ khao khát khẳng định cái “tôi” cá nhân của giới trẻ vì đây là dòng nhạc rất linh hoạt.
Sự tự do sáng tạo về câu từ chính là điểm mấu chốt. Không lề lối, không bó buộc, không nguyên tắc, các nghệ sĩ sáng tạo và gieo vần với câu chữ, tạo nên những bản nhạc mang đậm dấu ấn cá nhân. Hơn nữa, các Rapper cũng thể hiện cá tính của mình qua phong cách sống phóng khoáng và lối thời trang đường phố độc đáo. Từ trào lưu này chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự chuyển biến trong nhận thức của giới trẻ về sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân đặc biệt là Gen Z. Khác với Gen X và Boomers, những thế hệ còn ngần ngại thể hiện cá tính, sợ trở nên khác biệt so với số đông.
Các chiến dịch sáng tạo có ý nghĩa, vượt lên trên mục đích kinh doanh và giúp lan toả thông điệp tích cực chính là những chất keo gắn kết thương hiệu với người tiêu dùng.
Khao khát thể hiện cái tôi cá nhân và tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ chính là những thái độ sống rất tích cực từ thế hệ trẻ ngày nay. Đây cũng là những insight để các marketer vận dụng và xây dựng những chiến dịch truyền thông mang tính khác biệt và có tầm ảnh hưởng.
Ngay cả sau khi các sân chơi cho nhạc Rap kết thúc, chúng tôi dự đoán trào lưu này vẫn sẽ không hạ nhiệt ngay mà âm hưởng của nó vẫn ở lại trong giới trẻ. Người ta không chỉ bắt gặp Rapper tại những con ngõ nhỏ hay trên Soundcloud nữa, thế giới “dưới lòng đất” (underground) được rộng mở và đón nhận nhiều hợp đồng quảng cáo lớn vì ngay tại thời điểm này, từ thành thị đến nông thôn, nhạc Rap được đón nhận và yêu mến hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy, công chúng sẽ mở lòng nhiều hơn với những phong cách sống, những nét văn hoá độc đáo trong cộng đồng.
Nhạc Rap là tiếng nói của Hiphop, nhưng cũng hoàn toàn có thể trở thành tiếng nói của thương hiệu
Nguồn: King of Rap
Dòng nhạc này phù hợp với những thương hiệu gắn tên tuổi của mình với phong cách sống như Grab, Pepsi, Coca-Cola… và có đối tượng mục tiêu trong độ tuổi 15-28. Từ nay đến cuối năm 2020 là thời điểm tốt nhất để ứng dụng vì các sân chơi cho giới yêu Rap trên sóng truyền hình vẫn chưa hạ nhiệt. Mùa mua sắm cuối năm nay được dự đoán sẽ vô cùng sôi động do sự nén lại của thị trường giai đoạn đầu năm. Vì vậy, nếu vận dụng tốt thì việc ứng dụng Rap vào các chiến dịch có thể giúp thương hiệu gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thương hiệu có thể ứng dụng Rap trong các tư liệu truyền thông nhằm khẳng định tính cách và tiếp cận người tiêu dùng trẻ.
Bên cạnh tính thời điểm, lựa chọn KOLs, Influencers dẫn dắt và lan toả chiến dịch là rất quan trọng. Đặc biệt là với những nhãn hàng từng vướng phải những vấn đề truyền thông nhạy cảm, gắn thương hiệu của mình với những nghệ sĩ underground có lối sống và văn hoá âm nhạc gần gũi, bình dị giúp gia tăng thiện cảm của công chúng tới thương hiệu.
Những ngày khó khăn của năm 2020 không làm giảm bớt sức sáng tạo của thế hệ trẻ. Với nhạc Rap, giới trẻ sống và tự do thể hiện cá tính và cái “tôi” cá nhân. Đây là mảnh đất màu mỡ rộng mở những cơ hội tiếp cận đối tượng mục tiêu cho các nhãn hàng, bên cạnh đó giúp nhãn nhãn hàng khẳng định tính cách thương hiệu một cách mới mẻ và phóng khoáng hơn.